(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thương mại hoá sáng chế từ trường đại học vào doanh nghiệp –  Giải pháp và kiến nghị  (Phần 2)

Những năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Nhà nước, Doanh nghiệp và trường đại học/viện nghiên cứu hay cơ sở nghiên cứu đã có nhiều sự khởi sắc; tuy nhiên mối quan hệ hợp tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự cho các bên tham gia. Do vậy, cần có các giải pháp cụ thể hơn để việc thương mại hoá sáng chế từ trường đại học vào doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
1. Giải pháp:
- Chính sách của Nhà nước:
Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích hợp tác, những ưu đãi nhất định, tham gia tư vấn tích cực tạo sân chơi, diễn đàn chung để hai chủ thể này tiến lại gần nhau hơn, hiểu nhau và hợp tác với nhau tích cực hơn. Có như vậy, trường đại học/viện nghiên cứu và doanh nghiệp mới dễ dàng “bắt tay” hợp tác với nhau vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia; bởi lẽ, khi doanh nghiệp được hưởng lợi từ sản phẩm do kết quả nghiên cứu khoa học mang lại, không phải đầu tư công sức, tài chính để nghiên cứu mà họ đã tận dụng ngay nguồn nhân lực, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ các trường đại học/viện nghiên cứu, từ đó thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và bán sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, không chỉ có doanh nghiệp được lợi mà bản thân các trường đại học cũng được hưởng lợi từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại doanh nghiệp hợp tác.
Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết các chính sách này để hỗ trợ việc “mua” các kết quả nghiên cứu nhằm tăng “cầu” (kích cầu) cho các sản phẩm khoa học để tạo cơ hội cho các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học đưa kết quả nghiên cứu vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh…Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH&CN ở các ngành và địa phương trong cả nước. Điều này sẽ giúp cá nhân, tổ chức, viện nghiên cứu hay các trường đại học quan tâm hơn vào nhu cầu thị trường để từ đó nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khoa học đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức nghiên cứu an tâm công khai các kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh nghiên cứu trùng lặp hoặc tạo được sự tham khảo kế thừa trong nghiên cứu khoa học. Việc công bố các kết quả nghiên cứu khoa học ra công chúng sẽ nhận được sự quan tâm và đầu tư của các nhà đầu tư hay các tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước.
- Đối với các trường đại học/viện nghiên cứu:
Các trường đại học/viện nghiên cứu cần tránh phân tán nguồn lực vào nhiều lĩnh vực sáng chế khác nhau để tránh sự lãng phí nguồn nhân lực mà cần xây dựng định hướng hoạt động sáng chế phù hợp, thậm chí là thế mạnh của mình để phát triển. Ngoài ra, các trường đại học/viện nghiên cứu cần thiết lập các trung tâm đối tác trường đại học - doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu mở rộng sản xuất nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập các văn phòng, trung tâm chuyển giao công nghệ ngay trong chính các trường đại học để tăng cường sự hợp tác với các doanh nghiệp.

- Đối với các doanh nghiệp: Để thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả, các doanh nghiệp hiện nay cần bổ sung kiến thức nền:
  •  Bổ sung các kiến thức về chuyên ngành (tự học - internet);
  •  Bổ sung kiến thức về sở hữu trí tuệ;
  •  Bổ sung kiến thức tài chính (tự học - bạn bè - internet);
  •  Tiếp cận và trao đổi ý kiến - học hỏi các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ngoài ra, việc hợp tác thử nghiệm, kiểm định sản phẩm và lắp đạt dùng thử sản phẩm cũng là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu.
2. Kiến nghị:
Kiến nghị quá trình thương mại hoá sáng chế từ trường đại học vào doanh nghiệp đạt hiệu quả tối ưu:
- Tăng cường vai trò của Hội sáng chế Việt nam trong vai trò kết nối đầu tư và hỗ trợ tư vấn hợp tác triển khai sáng chế giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất công nghiệp và nhà sáng chế.
- Ban hành chính sách cho phép đưa sản phẩm từ sáng chế Việt vào các quá trình đấu thầu trang bị thiết bị, chi tiêu công.
- Có chính sách và phổ biến thông tin về việc hỗ trợ tài chính cụ thể cho các doanh nghiệp hợp tác với nhà sáng chế hay doanh nghiệp nhỏ và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm từ sáng chế Việt.
- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ thẩm định nhu cầu thị trường đối với sản phẩm từ sáng chế. Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu thị trường cho sản phẩm từ sáng chế
- Xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê chuyên ngành phục vụ công tác thẩm định giá sáng chế.
- Xem xét tính tương quan và có biện pháp thúc đẩy “Quỹ phát triển khoa học công nghệ” của doanh nghiệp và các sáng chế trong và ngoài doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thành các nhóm nhỏ phù hợp để có thể hỗ trợ lẫn nhau.
- Xem xét và đánh giá lại hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, đặc biệt đối với sáng chế hay các giải pháp kỹ thuật, có sự linh động trong chính sách đối các nhóm đối tượng khác nhau.
- Thành lập tổ chức tư vấn chuyên sâu gồm các chuyên gia và các nhà sản xuất có thâm niên trong nhiều lãnh vực.
- Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn ngọn, dễ hiểu dễ nhớ về kiến thức khai thác tài sản trí tuệ - sáng kiến - sáng chế trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Xây dựng mô hình các công ty lớn kết nghĩa với một số công ty nhỏ và vừa.

Việc áp dụng các giải pháp và kiến nghị như trên sẽ là biện pháp hiệu quả để quá trình thương mại hoá sáng chế đạt hiệu quả cao nhất. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác sáng chế để phát triển và thương mại hoá sản phẩm xin liên hệ: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ. Số điện thoại: 0243. 943.9663. Địa chỉ: P 415, 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663